Đánh giá loa Onyx Studio 8: Thiết kế không đổi, sự thay đổi đến từ bên trong
Hãy cùng Vua2hand Đánh giá loa Onyx Studio 8: Thiết kế không đổi, sự thay đổi đến từ bên trongNgay từ cái nhìn đầu tiên có thể nhận ra rằng ngoại hình của Onyx Studio 8 tương tự với thế hệ tiền nhiệm, gần như không có sự thay đổi nổi bật nào.
Onyx Studio 8 được tạo thành với 2 phần chính gồm khu vực đặt loa và các phím điều khiển được bọc bởi một lớp vải và tay nắm kim loại bao quanh loa. Kiểu thiết kế này mang đến một cảm giác rất vũ trụ và có nét tương lai, dễ khiến cho những tâm hồn yêu thiên văn tưởng tượng đến hình ảnh một ngôi sao được bao quanh bởi một vành đai nào đó.
Thiết kế trừu tượng là như vậy nhưng kiểu tạo hình này lại chiếm khá nhiều diện tích nếu so sánh với những thiết bị Onyx Studio đời 5 và 6. Phần tay cầm kim loại được cố định với thân loa, do đó cần một diện tích đủ lớn mới có thể đặt vững Onyx Studio 8 trên mặt phẳng. Nhiều người dùng từng hy vọng rằng, tay cầm trên Onyx Studio 8 có thể gập lại để gọn hơn nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực.
Onyx Studio 8 đã loại bỏ adapter gắn liền trên dây sạc, Harman Kardon tích hợp adapter vào bên trong thân loa, điều này giúp gọn gàng hơn khi cắm sạc cho loa nhưng khiến cho Onyx Studio nặng hơn khoảng 300 gram.
Một điểm mới nữa trong thiết kế của Onyx Studio là ở hệ thống phím bấm, thay vì phím “pause” thì nay nó đã được chuyển thành biểu tượng chiếc điện thoại, ý chỉ rằng chiếc loa này đã có thể hỗ trợ đàm thoại nhờ được trang bị 2 micro.
Hai micro đặt bên trong Onyx Studio 8 không chỉ mang lại khả năng đàm thoại, mà nó còn giúp chiếc loa này có thể nhận diện được không gian xung quanh, để tự điều chỉnh khả năng phát ra âm thanh phù hợp với khu vực mà người dùng đang đặt loa. Trong điều kiện thực tế, khá khó để bạn có thể cảm nhận được sự hiệu quả của tính năng nay.
Được nhiều người nghe nhận định là dòng loa cho khả năng nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau và có khả năng thể hiện dải âm trầm khá tốt cả chất lẫn lượng. So với phiên bản tiền nhiệm, Onyx Studio đã tiết chế lại một chút phần âm trầm, vẫn giữ lại được sức mạnh, độ lực của dải âm trầm và vẫn đủ để thể hiện các dải âm khác được chính xác hơn.
Điều chỉnh giảm âm trầm (bass) đã tạo cơ hội cho dải âm trung (mid) được thể hiện nhiều hơn mặc dù nhà sản xuất gần như không có sự cải tiến nào ở dải âm này, giọng ca sĩ đa tách bạch và rõ ràng hơn không còn bị lấn bởi dải âm trầm nữa.
Tương tự với dải âm trung, dải âm cao cũng không thể hiện được sự thay đổi nào so với đời cũ. Tiếng nhạc cụ, tiếng va chạm của kim loại,... được thể hiện vừa đủ để tạo nên sự sôi động và cảm xúc cho người nghe. Với những bản nhạc mà tiếng nhạc cụ đánh dồn dập, Onyx Studio có xu hướng thể hiện “nhạt” hơn, chi tiết không còn quá tốt và không theo kịp nhịp độ của bài hát. Tất nhiên, thể hiện dải âm cao luôn là một thử thách với các loại loa, tai nghe, với Onyx Studio 8 khi mà ưu điểm nằm ở dải trầm thì việc thể hiện không quá xuất sắc dải cao là điều khó tránh khỏi.
Thời lượng pin của Onyx Studio 8 được nhà sản xuất công bố là khoảng 7-8 tiếng nhưng nếu bạn chơi nhạc ở mức âm lượng lớn thì con số 8 tiếng chỉ còn chưa được 5 tiếng đồng hồ.
Với mức giá khoảng 6 triệu đồng, Onyx Studio 8 là một lựa chọn phù hợp cho những người dùng đang tìm kiếm một chiếc loa để nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau, nhưng nổi bật nhất vẫn là nghe các dòng nhạc điện tử vì dải âm trầm vẫn là lợi thế của chiếc loa này.